10 loại nước uống mát gan giải độc
Với nhiều người có bệnh lý về gan, việc điều trị bệnh đôi khi phải dùng đến những loại thuốc Tây đắt tiền và có thể có tác dụng phụ. Tuy nhiên, bên cạnh việc điều trị bằng phương pháp Tây y, một số loại nước uống sau đây cũng có thể hỗ trợ người bệnh trong quá trình phục hồi chức năng gan rất hiệu quả.
Nước đậu xanh
Đậu xanh là một loại ngũ cốc được sử dụng rất phổ biến tại Việt Nam. Từ đậu xanh, người ra có thể làm ra những món bánh, xôi, chè rất ngon và bổ dưỡng. Với người bị bệnh gan mãn tính, đậu xanh không chỉ là nguyên liệu chế biến các món ăn mà nó còn là một bài thuốc dân gian giúp thanh nhiệt, thải độc gan rất tốt.
Theo Đông y, đậu xanh có tính mát, vị thanh, ngọt. Để làm mát và thanh lọc gan, bạn có thể làm nước đậu xanh, sữa đậu xanh, chè đậu xanh nha đam, cháo đậu xanh…
Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu cách làm nước đậu xanh rang – loại nước uống mát gan giải độc hiệu quả để bạn đọc tham khảo.
Chuẩn bị:
300 gr đậu xanh
2 lít nước
Một ít đường và muối
Cách làm:
Sau khi mua về, bạn chọn những hạt đậu xanh đều màu, vỏ bóng, không có mùi và không bị sâu mọt. Sau đó, đem rửa sạch đậu xanh với nước cho sạch bụi bẩn rồi để ráo nước.
Bắc chảo lên bếp, đợi chảo nóng, cho đậu xanh vào rang nhỏ lửa trong khoảng 10 phút, chú ý rang đều tay.
Cho nước và đậu xanh đã rang vào nồi, đun sôi nhỏ lửa cho đến khi đậu xanh nở ra thì tắt bếp.
Bỏ phần hạt, hạt đậu xanh có thể làm chè, xôi, … Lọc lấy nước để uống
Để dễ uống hơn, bạn có thể cho thêm một chút muối hoặc đường. Bạn có thể bảo quản nước đậu xanh trong ngăn mát tủ lạnh để uống dần trong khoảng 1 – 2 ngày.
Nước bí đao
Bí đao chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Đặc biệt, theo Đông y, bí đao có tính mát, vị ngọt thanh, có khả năng giải độc gan, thanh nhiệt rất tốt. Từ những lợi ích của trái bí đao nêu trên, người xưa đã tận dụng để tạo ra trà bí đao giúp giải nhiệt, giải độc gan rất hiệu quả. Đây là một loại thức uống nguồn gốc tự nhiên, lành tính và rất an toàn, không chứa các chất hóa học nguy hiểm.
Cách nấu trà bí đao như sau:
Chuẩn bị:
Bí đao: 1 kg (chọn quả già, nếu chọn quả non phải bỏ ruột)
Lá dứa (lá nếp): 5 chiếc
Thục địa: 10 gr
Đường phèn: 150 gr
Muối: 1/3 muỗng cà phê
Nước: 4 lít
Cách làm:
Bí đao rửa sạch, gọt vỏ, thái thành miếng nhỏ. Lá dứa rửa sạch, buộc gọn.
Cho bí đao, muối, thục địa, đường phèn vào nồi, đổ thêm nước. Bắc nồi lên bếp, đun đến khi nhừ bí đao, sau đó cho thêm lá dứa vào, đun thêm khoảng 5 phút nữa thì tắt bếp.
Chờ trà nguội thì lọc bỏ bã và bảo quản trong tủ lạnh.
Nước gạo lứt
Gạo lứt hay còn gọi là gạo rằn, gạo lặt là loại gạo mới chỉ được xay bỏ lớp vỏ trấu bên ngoài và vẫn giữ được lớp cám gạo bên trong. Đây là loại gạo có giá trị dinh dưỡng rất cao, tốt cho sức khỏe nói chung và lá gan nói riêng. Nó thường được dùng thay cơm trắng hoặc cũng có thể nấu thành nước uống.
Nước gạo lứt là thức uống vô cùng hữu ích với người bị nóng trong, nổi mụn nhọt, thường xuyên sử dụng rượu bia, hút thuốc lá do nó có lớp vỏ cám chứa chất dầu đặc biệt có khả năng điều hòa khí áp, giải độc gan, ngăn chặn các bệnh về tim mạch.
Cách làm nước gạo lứt như sau:
Chuẩn bị:
Gạo lứt: 100 gr
Nước: 1 lít
Muối: ½ muỗng cà phê
Cách làm:
Nhặt bỏ hạt gạo lứt xấu, để khô ráo. Lưu ý không nên vo gạo lứt trước khi rang để tránh làm mất chất.
Bắc chảo lên bếp, khi chảo nóng cho gạo lứt vào rang đều tay với lửa nhỏ. Khi gạo lứt chuyển màu sậm hơn và có mùi thơm thì tắt bếp.
Cho gạo lứt rang vào nồi, thêm nước và đun sôi với lửa nhỏ đến khi gạo chín mềm thì tắt bếp. Dùng rây lọc hết phần xác gạo. Khi uống bạn có thể cho thêm chút muối. Tùy theo khẩu vị của người dùng để gia giảm lượng muối hoặc lượng gạo cho phù hợp.